Khát vọng bảo tồn văn hóa Hmong thông qua nghề dệt truyền thống

Chương trình “Vườn Sao Mai” của kênh HTV7 – Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi phỏng vấn với Sùng A Bình – một người con dân tộc Hmong – chủ dự án “Đào tạo nghề may cho phụ nữ Hmong di cư lao động gắn liền với thiết kế thời trang sử dụng thổ cẩm” để tìm hiểu về khát vọng bảo tồn nghề dệt truyền thống cũng như văn hóa Hmong và mang chúng đến với công chúng cả trong và ngoài nước. 

Ngày hội của Người Hmong tại Hà Nội

Vào ngày 10/01 vừa qua tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội đã diễn ra sự kiện Tết Mông xuống phố 2021 do Nhóm sinh viên người Mông Hà Nội và CLB sinh viên tình nguyện Mông tại Hà Nội phối hợp cùng Ủy ban Dân tộc tổ chức. Sự kiện năm nay thu hút đông đảo sự tham gia của những bạn trẻ người Mông đang sinh sống tại Hà Nội và người dân thủ đô đến tìm  hiểu về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Với sự hỗ trợ từ Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn, 6 nhóm dự án từ cuộc thi tìm kiếm “Ý tưởng Chuỗi giá trị dành cho cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam” đã có 6 gian hàng tại sự kiện lần này. Mỗi gian hàng đều mang đến các sản phẩm đặc trưng của dự án của mình: Trà Giảo cổ lam từ dự án của Bế Phương Nga, Tinh dầu Sả chanh từ dự án của Vi Thùy Dương, Gạo tẻ râu từ dự án của Đinh Thị Huyền, Trang phục Hmong từ dự án của Sùng A Bình, Dịch vụ mảnh vườn từ dự án của Vừ A Ly và Thịt bò khô từ dự án của Giàng A Dạy.

Các sản phẩm đều nhận được sự quan tâm lớn từ các khách tham quan. Sau khi nghe tư vấn về nguồn gốc, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, sự khác biệt so với các sản phẩm khác trên thị trường và được trực tiếp trải nghiệm, các sản phẩm đã nhận được sự ủng hộ lớn từ những người tới thăm gian hàng.

Một số hình ảnh tại sự kiện:

Gian hàng sản phẩm thời trang thổ cẩm của HmongTagkis
Gian hàng thịt bò khô của HTX Amo
Gian hàng các loại tinh dầu của HTX Hương Ngàn
Gian hàng trà Giảo cổ lam 5 lá Võ Nhai của Dược thảo Hòa Bình
Gian hàng giới thiệu vườn rau thông minh của Ifarm
Gian hàng gạo Tẻ Râu của Taba Agritage

Tết Mông xuống phố 2021

Cuộc thi "Nam thanh nữ tú" của các bạn trẻ người Mông
“Tết Mông xuống phố” là một sự kiện văn hóa của các học sinh, sinh viên và thanh niên người dân tộc Mông, được tổ chức thường niên trong nhiều năm qua với mục tiêu góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc của người Mông cũng như tăng cường gắn kết cộng đồng người dân tộc Mông và các đồng bào thiểu số là những người trẻ đang sinh sống, học tập và làm việc tại thủ đô Hà Nội.
Các tiết mục múa truyền thống của dân tộc Mông

Năm nay, sự kiện “Tết Mông xuống phố 2021” được tổ chức vào ngày 10/01/2021 tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội. Tại đây, các bạn không chỉ được tham gia các trò chơi truyền thống, thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc mà còn được tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm của các nhóm dân tộc khác nhau. Các nhóm dự án từ cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng chuỗi giá trị cho cộng đồng các dân tộc thiểu số” cũng mang đến sự kiện các gian hàng với các sản phẩm như: Trà giảo cổ lam 5 lá Võ Nhai, Tinh dầu Sả chanh, Thịt bò khô, Gạo tẻ râu, Rau sạch và Trang phục Hmong.

Vào buổi chiều, sẽ diễn ra cuộc thi “Nam thanh nữ tú”, nơi các bạn trẻ người Mông thể hiện văn hóa, sự sáng tạo và tài năng của mình. Đặc biệt, trong phần thi trang phục dạ hội, các trang phục hiện đại với chất liệu hoa văn thổ cẩm truyền thống của người Mông sẽ được tài trợ cho các bạn thí sinh trình diễn bởi Dự án Hmong Tagkis của Sùng A Bình.

Chứng nhận OCOP 3 sao cho sản phẩm Trà Giảo cổ lam 5 lá Võ Nhai

Vào ngày 05 đến 11/12/2020, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm Thái Nguyên 2020”.  Hội chợ nhằm giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương, các sản phẩm nông nghiệp tiêu biển của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, tại lễ khai mạc, Ban tổ chức cũng đã trao chứng nhận cho các cá nhân, tập thể có sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Hội chợ năm nay có sự tham gia của nhiều đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu của gần 20 tỉnh, thành phố trong cả nước với gần 250 gian hàng. Tại sự kiện lần này, huyện Võ Nhai góp phần với 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn bao gồm: trà giảo cổ lam 5 lá Võ Nhai, trà Móc câu Đại Tiến, Na La Hiên và mật ong La Hiên. Sau một năm thực hiện, sản phẩm Trà Giảo cổ lam 5 lá Võ Nhai từ dự án “Trồng, thu mua và chế biến dược liệu tại huyện Võ Nhai” của bạn Bế Phương Nga đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Với chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm Trà Giảo cổ lam 5 lá Võ Nhai đã khẳng định vị thế của mình là một trong những sản phẩm tiêu biểu của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Sản phẩm đạt đầy đủ các tiêu chí về quy trình sản xuất, lợi ích đem lại cho cộng đồng địa phương cũng như chất lượng dinh dưỡng mà sản phẩm đem tới cho người tiêu dùng.

Tập huấn “Kỹ năng tiếp thị trực tuyến và Bán hàng trên trang thương mại điện tử”

Trong ba ngày từ 9-11/12, chương trình tập huấn “Kỹ năng tiếp thị trực tuyến và bán hàng qua các trang thương mại điện tử” cho các chủ dự án nằm trong cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng chuỗi giá trị cho cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam” đã được tổ chức dưới sự tài trợ của Ngân hàng thế giới, Ủy ban dân tộc phối hợp cùng Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn.
Anh Nguyễn Huy Hoàng - giảng viên Facebook chia sẻ về Tiếp thị trực tuyến

Trong ngày đầu tiên, các chủ dự án đã được hiểu thêm về cách tạo thương hiệu cho sản phẩm và tối ưu hóa trang Facebook của doanh nghiệp để tiếp thị, giới thiệu sản phẩm của mình cho các đối tượng khách hàng phù hợp nhằm đem lại doanh thu cao nhất.

Với sự giảng dạy của 2 giảng viên được Facebook đào tạo, các chủ dự án đã có kỹ năng sử dụng những phần mềm cơ bản nhằm xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như có chiến lược marketing hiệu quả cho sản phẩm của mình.

Tiếp đó, các chủ dự án cũng được nghe giới thiệu và phân tích về các trang thương mại điện tử như Shoppee, Tiki, Lazada… từ chuyên gia về thương mại điện tử của IM Group. Bên cạnh đó là buổi gặp mặt với đại diện của Tiki để chia sẻ về phương pháp bán hàng hiệu quả và các chính sách hỗ trợ của Tiki đối với người bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Các chủ dự án cũng được hướng dẫn cụ thể cách đưa các sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử – kênh mua sắm được ưa chuộng nhất hiện nay. 

Anh Nguyễn Minh Đức - CEO IM Group chia sẻ về cách bán hàng hiệu quả trên sàn Thương mại điện tử
Anh Nguyễn Minh Đức - CEO IM Group chia sẻ về cách bán hàng hiệu quả trên sàn Thương mại điện tử
Đại diện Tiki giải đáp thắc mắc về hỗ trợ của Tiki đối với người bán hàng

Để khép lại chương trình tập huấn, Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn và đại diện các dự án đã có buổi rà soát về tiến độ triển khai các hoạt động của dự án và thống nhất kế hoạch hoàn thiện những hoạt động còn lại. Bên cạnh đó, một số dự án cũng đã có chia sẻ về kinh nghiệm của mình trong các lĩnh vực như Tổ chức sản xuất (Vừ A Ly), Chứng nhận hữu cơ (Đinh Thị Huyền), Phát triển sản phẩm (Vi Thùy Dương, Hà Đức Đàm), Xây dựng kênh tiếp thị sản phẩm (Sùng A Bình). Qua đó, các chủ dự án cũng có thêm các kinh nghiệm để phát triển dự án của mình.

Bạn Vừ A Ly chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức sản xuất của dự án của mình
Các nhóm dự án thảo luận và đề xuất chủ đề của chương trình tập huấn tiếp theo

Lớp học thổ cẩm miễn phí cho người Mông tại thành phố Hồ Chí Minh

Dự án “Đào tạo nghề may cho phụ nữ Hmong di cư lao động gắn liền với thiết kế thời trang sử dụng thổ cẩm” của anh Sùng A Bình đã hỗ trợ tạo thêm việc làm cho nhiều phụ nữ người Mông tại thành phố Hồ Chí Minh và nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Chuyên mục “Người tử tế” của kênh Truyền hình Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi gặp mặt với anh Sùng A Bình để nghe chia sẻ của anh về dự án của mình.

Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2020

Hội chợ OCOP Quảng Ninh là một hội chợ thường niên, thu hút được nhiều người đến tham quan và mua sắm. Đây là một trong những hoạt động thiết thực góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương, sản phẩm nông sản, đặc sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước và các sản phẩm điển hình của các nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Iran,…

Hội chợ năm nay có 300 gian hàng trải dài ở nhiều ngành hàng khác nhau như: nông sản, thủy hải sản chế biến, các mặt hàng công nghiệp,…

Năm nay, Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Hợp Thành Thanh Vận cũng tham gia với gian hàng các sản phẩm từ dự án “Sản xuất các sản phẩm từ chuối tây tại Thanh Vận, Chợ Mới, Bắc Kạn” do VCIC tài trợ, các sản phẩm bao gồm: chuối dẻo, bim bim chuối, dấm chuối và rượu chuối.

Trong suốt thời gian diễn ra hội chợ, gian hàng đã đón tiếp hơn 800 khách tham quan các sản phẩm từ chuối tây.

Lượng sản phẩm bán ra đạt 42 triệu đồng.

Khách tham quan đã đánh giá về các sản phẩm như sau: “Bim bim chuối và các sản phẩm từ chuối ăn ngon, khá mới lạ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và rất có tiềm năng phát triển”.

Thời trang Hmong Tagkis khẳng định vị thế trên thị trường

Với các sản phẩm thời trang được thiết kế tỉ mỉ và mang đậm bản sắc của người Mông, các sản phẩm của Hmong Tagkis đã nhận được sự quan tâm lớn từ những người tiêu dùng. Anh Sùng A Bình, giám đốc của Công ty Hmong Tagkis, đã có buổi chia sẻ về thương hiệu thời trang Hmong Tagkis với Tuổi Trẻ TV.